Tỷ giá USD trên thị trường thế giới
Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 104,33 điểm – giảm 0,03% so với giao dịch ngày 26/7.
Đồng USD ổn định vào tuần trước. Chỉ số DXY bị mắc kẹt trong phạm vi hẹp 104-104,55 trong suốt tuần vừa qua. Tuy nhiên, Kho bạc Mỹ 10 năm đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh sau khi dữ liệu Chi số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố vào cuối tuần trước.
Theo đó, chỉ số PCE của Mỹ - thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - tăng 2,51% (so với cùng kỳ năm trước), giảm so với mức 2,6% trong một tháng trước đó. Dữ liệu PCE thấp hơn củng cố việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Kết quả cuộc họp của Fed sẽ được công bố vào ngày 31/7 tới. Thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất, và chờ đợi những bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell xem có bất kỳ gợi ý nào từ phía ông về việc cắt giảm lãi suất hay không. Hiện tại, thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm vào tháng 9.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Nguồn ảnh: Marketwatch
Triển vọng trước mắt đối với chỉ số DXY vẫn chưa rõ ràng. Diễn biến giá vào tuần trước cho thấy thị trường có thể đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Vì vậy, cho đến lúc đó, chỉ số này có thể vẫn kẹt trong phạm vi 104-104,55.
Một sự đột phá ở cả hai bên của phạm vi này sẽ xác định động thái tiếp theo đối với chỉ số DXY. Việc chỉ số này tăng vượt mốc 104,55 có thể giúp nó tiếp tục tăng lên mức 105 ban đầu. Một sự đột phá hơn nữa trên mốc 105 sau đó sẽ mở đường giúp chỉ số DXY đạt mức 106 và xác lập đà tăng trong những tuần tới.
Trong trường hợp chỉ số này phá vỡ phạm vi dưới 104, điều đó có thể khiến nó sụt giảm xuống mốc 103.
Sự đảo ngược mạnh mẽ vào cuối tuần trước đã xác lập xu hướng tiêu cực đối với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Lợi suất có thể giảm xuống mức 4,1%, thậm chí là mốc 4% trong ngắn hạn.
Trong khi đó, mức hỗ trợ tại 1,08 đối với chỉ số EUR/USD đã được duy trì rất tốt vào tuần trước. Đồng tiền này đã đạt mức thấp là 1,0826 và sau đó tăng nhẹ trở lại từ đó. Mức kháng cự hiện tại là 1,0875. Đồng EUR phải phá vỡ mức kháng cự này để tăng lên vùng 1,0950-1,0970.
Mức hỗ trợ nằm trong vùng 1,0820-1,08. Việc phá vỡ dưới mốc 1,08 có thể kéo đồng EUR xuống mức 1,07.
Nhìn chung, 1,08-1,0875 có thể là phạm vi giao dịch hiện tại. Một sự đột phá ở cả hai bên của phạm vi này sẽ quyết định hướng đi tiếp theo cho chỉ số EUR/USD.
Tỷ giá USD trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 29/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.249 đồng.
Sáng ngày 29/7, NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 24.249 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên giao dịch ngày 26/7. Ảnh minh hoạ
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD. Tỷ giá đồng Đô la Mỹ cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.450 VND/USD.
Tỷ giá USDN ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ và giá đô trong nước vào sáng nay ghi nhận hàng loạt động thái điều chỉnh tăng tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 25.091 và mức bán ra là 25.461, tăng 1 đồng ở chiều mua và chiều bán so với phiên giao dịch ngày 26/7. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 24.000 - 25.500 VND/USD.
Tại ngân hàng Vietinbank có mức mua vào là 25.030 đồng; bán ra 25.460 đồng.
Tại ngân hàng BIDV có mức mua vào là 25.121 đồng; bán ra 25.461 đồng.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay điều chỉnh nhẹ ở 2 chiều mua - bán so với phiên trước đó. Tại thị trường Hà Nội, lúc 5 giờ 15 phút, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở mức 25.660 -25.720 VND, tăng 9 VND ở chiều mua và giảm 1 VND chiều bán so với ngày 27/7.